Họp bàn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thu mua và chế biến cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa

(Web Quảng Trị) Ngày 15/10/2015, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với các ngành, địa phương để nghe báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh cà phê và các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho thu mua và chế biến cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Đồng chí Hà Sỹ Đồng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp, tham dự còn có đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, địa phương liên quan.
ngay 15 10 2015 pcthsd pb taiblv
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng phát biểu tại buổi làm việc
 
Huyện Hướng Hóa có tổng diện tích gieo trồng cà phê 4.807 ha, diện tích thu hoạch đạt 3.900 ha. Hiện nay đang là đầu vụ thu hoạch, dự kiến năng suất bình quân đạt 11 – 12 tấn quả tươi/ha, sản lượng ước đạt 48.000 – 50.000 tấn quả tươi.
Do tình hình hạn hán kéo dài trong các tháng đầu năm 2015 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng cây cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Hầu hết sản lượng cà phê đầu vụ, tỷ lệ nhân xô chỉ đạt 40 – 45%, không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, người dân trên địa bàn huyện đang tiến hành thu mua đầu vụ, giá cả thu mua từ 2.500 – 3.000 đồng/kg cà phê quả tươi. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đã chuẩn bị sẵn sàng cho thu mua và chế biến cà phê niên vụ 2015 (hiện trên địa bàn huyện có 14 doanh nghiệp và 5 cơ sở thu mua, chế biến), thời gian thu mua, chế biến dự kiến vào cuối tháng 10/2015.
Bên cạnh đó, tình hình thu mua, sản xuất cà phê tại huyện Hướng Hóa vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc: Niên vụ cà phê các năm 2012, 2013, 2014, giá cả thu mua cà phê quả tươi giảm mạnh đã làm ảnh hưởng đến tình hình trồng, chăm sóc cây cà phê cũng như đời sống nhân dân trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, giá cả xuất khẩu sản phẩm cà phê Hướng Hóa đạt thấp gây khó khăn cho doanh nghiệp thu mua, chế biến cũng như xuất khẩu. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như bà con nông dân hêt sức khó khăn về vốn để tiếp tục đầu tư thu mua, chế biến và tái canh cây cà phê. Hiện một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong nguồn vốn thu mua cà phê và đã hết tài sản để thế chấp ngân hàng. Theo tính toán của các doanh nghiệp, với sản lượng gần 50.000 tấn quả tươi cà phê ở Hướng Hóa cần có gần 300 tỷ đồng để thu mua, như vậy cà phê ở Hướng Hóa đã mất đi sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Từ đó, nhằm tháo gỡ các khó khăn gặp phải, huyện Hướng Hóa đã đề nghị UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Trị xem xét để kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có hướng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến cà phê. Đồng thời, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các Sở, ban ngành liên quan phối hợp UBND huyện trong việc xây dựng thương hiệu cà phê Khe Sanh chất lượng cao.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh cà phê là loại cây trồng chủ lực liên quan đến đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa, vì thế để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên huyện cần có sự phối hợp quyết liệt hơn nữa với các Sở, ban ngành, doanh nghiệp tại địa phương, trong đó trước mắt cần tập trung rà soát lại toàn bộ các doanh nghiệp, nhà máy chế biến, khôi phục sản xuất để kịp thu mua cà phê cho người dân.
Kiểm tra lại các cơ sở chế biến, các cơ sở đủ giấy phép, tiêu chuẩn hoạt động theo đúng quy định thì cho duy trì sản xuất, đối với các doanh nghiệp tự phát, không đầy đủ giấy phép và các giấy tờ liên quan để hoạt động, gây ô nhiễm môi trường thì phải đóng cửa, ngưng mọi hoạt động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tự khẳng định mình, phải tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng lại phương án sản xuất. Đề nghị huyện Hướng Hóa tuyên truyền, quán triệt với các hộ gia đình không được tự phát chặt, thu hái cà phê không đúng thời vụ, không được làm ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê địa phương. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với địa phương rà soát lại các diện tích trồng cà phê để xây dựng phương án tái canh cây cà phê đã già cỗi.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh thời gian tới các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội cho việc xuất khẩu cà phê nói riêng cũng như nông sản nói chung khi Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do TPP và sắp có hiệu lực trong thời gian tới, theo đó các doanh nghiệp ở lĩnh vực này cũng phải tổ chức lại sản xuất kinh doanh, chuẩn bị sẵn sàng để hội nhập, nâng cao giá trị, xây dựng lại thương hiệu cà phê Khe sanh ngày càng lớn mạnh.
Tiến Nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây